War
Chiến Tranh
Đến một độ tuổi khoảng sau 3, một số trẻ bắt đầu hỏi cha mẹ: chiến tranh là gì? Và có khá nhiều cha mẹ bối rối để giải thích cho con hiểu và hình dung được khái niệm này. Một cách đơn giản nhất, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, chiến tranh đều là hình thái độc ác nhất của xung đột loài người.
Kỳ lạ thay, một dân tộc sống sót và lớn lên từ chiến tranh trong 4,000 năm như Việt Nam lại thiếu những hình ảnh, tác phẩm, những câu chuyện mang triết lý hòa bình cao cả. Kết luận này có vẻ như võ đoán và thiếu nhạy cảm, nhưng khi nhớ lại những gì bạn học được từ chương trình giáo khoa lịch sử trong suốt 12 năm và những khái niệm triết học trong những năm đại học, bạn không khỏi ớn lạnh cho cái cảm giác buộc phải nhớ những con số vô hồn và những kết luận trong những bài học mang tính thắng thua. Bạn sẽ cảm thấy thiếu vắng cảm giác cuốn hút, dâng trào như khi đọc cuốn "A Little History of the World" của E. H. Gombrich.
Lịch sử không thể được hình thành chỉ từ những sự kiện, mà phải là từ sự chiêm nghiệm của con người sau những sự kiện đó và bài học triết lý để loài người, dân tộc lớn lên. Đây là cách các nền văn minh vĩ đại, và các dân tộc lớn hình thành, sau những bài học lớn học được và những triết lý hun đúc nên tính cách của một dân tộc đó. Nhìn về các vĩ nhân Việt có tầm nhìn nhân ái vĩ đại, chúng ta cần phải biết về Nguyễn Trãi nhiều hơn, cho những phân tích tầm nhìn, triết lý, hơn là những câu chuyện và chính trị về ông.
Học về chiến tranh, và sinh tồn (của dân tộc Việt) là cách tốt nhất để học về nhân ái và hoà bình. Nguyễn Trãi có lẽ là người Việt nói nhiều về điều này nhất trong các tác phẩm của ông. Tiếc thay, lịch sử Việt Nam được ghi lại nhiều chỉ qua thơ văn mà thiếu các tác phẩm đương đại trong điện ảnh, âm nhạc hay hội họa, là các hình thức cao nhất ghi lại triết lý trí tuệ của con người.
Trong thế kỷ trước, loài người trãi qua cuộc chiến tranh thảm khốc nhất: Thế Chiến Thứ 2. Và để cảm nhận tốt nhất được sự thảm khốc đó lại là qua một tác phẩm điện ảnh: Danh Sách Schindler. Chiến thắng vẻ vang nhất của tất cả mọi cuộc chiến tranh là lòng bác ái của con người, và Steven Spielberg khắc họa trong 3h17 phút phim trắng đen không thể cao cả hơn được. Tương truyền rằng Steven sau khi đọc tác phẩm lần đầu từ chối làm phim vì nghĩ rằng mình chưa đủ phẩm chất và tài năng để làm bộ phim này (và thường người vĩ đại thì hay khiêm tốn). Và khi đã bắt đầu làm bộ phim, ông nói chuyện với John Williams để soạn bản nhạc cho bộ phim này. Sau khi xem bản thảo phim, John bước ra ngoài để có thể "hoàn hồn" trở lại (collecting himself). Và khi sáng tác xong bản nhạc này, ông bảo Steve rằng ông vẫn chưa thể làm tốt và xứng đáng hơn để cho một bản nhạc của bộ phim này. Đáp lại, Steven bảo rằng "ông biết, và những ai xứng đáng cũng đã chết hết rồi". Khi nghe bản nhạc này, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng chiếc vĩ cầm biết khóc. Và cũng từ đó bạn sẽ cảm nhận được những người vĩ đại chiêm nghiệm, cảm nhận, tôn trọng và học từ lịch sử và chiến tranh như thế nào.
Viện ước ao một ngày nào đó, học sinh Shichida có thể viết lại sử Việt, chuyển những triết lý vĩ đại chiến tranh còn ẩn lấp thành các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, hội họa để xứng tầm dân tộc này. Điều này bắt đầu từ việc phụ huynh thay đổi cách dạy con mình về chiến tranh, lịch sử, và thoát ra khỏi cách bạn được học về lịch sử và chiến tranh trong quá khứ.
---
This article has been posted on Yammer of Vien Giao Duc Shichida Online on 2020, August 26th.