Pandemic & Early Childhood Education

Từ Đại Dịch Nhìn về Giáo Dục Mầm Non

Chẳng ai có thể chắn chắn được rằng dịch Covid-19 trong năm nay sẽ không lặp lại trong những năm tiếp theo, và đến khi nào thì virus sẽ được khống chế. Rồi nỗi lo của loài người khi nào sẽ dịu đi, và từ đó nhân loại học được cách chấp nhận một sự thật mới mẽ này. Ngày trước, khi tôi lãnh đạo tổ chức của mình lên kế hoạch cho những dự án lớn lao, nhiều rủi ro, và cho dù có trải qua bao nhiêu kế hoạch phòng bị, phương án dự phòng, trước khi bắt đầu thực thi, tôi luôn căn dặn những người đứng đầu: "Expect the Unexpected".

 

Khi trường học đóng cửa mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào, cha mẹ phải nhận lại nhiệm vụ giáo dục con mình từ trường và xã hội, hơn ai hết, phụ huynh chợt nhận ra rằng người chịu trách nhiệm duy nhất cho công cuộc giáo dục của con không còn là của xã hội, không phải của chính phủ, và cũng chưa hẳn ở nhà trường; đó chính là trách nhiệm duy nhất của gia đình, của những đấng sinh thành. Chắc chắn thời điểm này là khó khăn, nhất là cho những phụ huynh có con đang học tiểu học và mẫu giáo. Họ cảm thấy bơ vơ giữa cuộc chiến sinh tồn, lo âu sức khoẻ, công việc, chăm sóc con và lại còn phải dưỡng dục con trong khi không có một hướng dẫn chính thống khoa học nào. Có lẽ cảm giáo đó như thể bị bỏ rơi. Và cũng từ đó, chúng ta phải suy tư: phải chăng hệ thống giáo dục mẫu giáo thực sự chỉ là nơi chăm trẻ cho phụ huynh đi làm, như cái thời cách mạng công nghiệp diễn ra ở Anh từ thế kỷ 19, và việc dạy kiến thức có thể được bỏ đi vì điều đó rất thứ yếu?

 

Khi nghe khẩu hiệu "Chống Dịch như Chống Giặc" làm tôi nhớ đến hoàn cảnh gia đình mình từ gần 100 năm trước. Đó là những năm Việt Nam chìm trong những khủng hoảng và thống khổ. Gia đình ở cố đô thời đó giàu có với nhiều đồn điền và cả một hạm đội xe chạy khắp cả nước. Và thời loạn lạc trong những năm thế chiến thứ 2, giải phóng đất nước là khi gia đình mất gần như hết toàn bộ tài sản vào tay những kẻ nhân danh chiến tranh để cướp bất kể trước đó gia đình đã cưu mang giúp đỡ họ. Gia đình vẫn cần cù làm việc để vực dậy cơ ngơi của mình một lần nữa trong hơn 30 năm sau đó. Nhưng sau đó cũng mất hết toàn bộ công sức lớn lao vì sự thống khổ của chiến tranh, vì khủng hoảng mâu thuẫn của loài người…

 

... Cứ mỗi hè về tôi lại được mẹ cho về quê ngoại chơi thỏa thích. Tôi vẫn cứ nhớ những trưa hè và chiều tối ngồi chơi với ngoại để nghe ngoại kể nhiều câu chuyện nhân văn, đạo đức về gia đình, về cuộc đời. Khi hỏi về các mất mát tài sản, tính mạng người thân yêu trong đời vì chiến tranh, hận thù, cướp bóc và vì sự vô học, mệ luôn vẫn rất nhẹ nhàng như thể đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Và tôi vẫn nhớ rất rõ trong tâm trí của mình một chiều cuối hè, mệ gọi tôi lên kể chuyện cho nghe và vuốt ve cho giấc ngủ trưa. Ánh mắt nhìn xa với đôi bàn tay gầy guộc, mệ vẫn nhỏ nhẹ những câu chuyện cuộc đời thật của mình. Và trong câu chuyện hôm đó, mệ căn dặn: "Con phải nhớ rằng tất cả những gì trong cuộc đời này đều có thể mất đi, và với thời gian rồi cũng sẽ mất đi. Chỉ có hai điều của một con người không bao giờ mất đi được: đạo đức và tri thức của mình. Là thành viên của gia đình này, con phải học để nên người. Học cao và sâu hơn để có thể lĩnh hội cái đạo của thánh nhân và cái tri của nhân loại"… Tôi ghi nhớ vì những điều này giống như kỹ thuật 5 phút thủ thỉ trước khi ngủ của phương pháp Shichida, và rồi làm theo. Và càng lớn thì càng nhận ra triết lý của dòng họ mình, từ việc thờ tự vì giáo dục cho đến đạo lý hướng đến giáo dục truyền qua nhiều đời.

 

Các bạn có thể đã cho con không học hơn 3 tháng. Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, nhiệm vụ và trách nhiệm còn lại của việc giáo dục là của các bậc sinh thành. Dưỡng mà không dục thì có thể có cơ thể khoẻ mạnh nhưng tâm không minh, trí không sáng. Với bệnh dịch mới mẽ này, có thể sẽ còn kéo dài 1 tháng, 3 tháng hay hơn 6 tháng nữa. Và chừng đó thời gian không giáo dục sẽ định nghĩa tương lai những tâm hồn nhỏ bé bây giờ, nhưng sẽ là trụ cột của gia đình, xã hội, đất nước trong 20 năm sau. 3, hay 6 tháng kiến thức có một sự khác biệt rõ ràng. Thế nên, hãy dạy con và để con học một cách khoa học, có giáo trình trong mùa đại dịch, ngay cả khi trường không dạy được con mình. Ngay cả khi bạn không cần phải dạy con theo phương pháp Shichida hay theo lớp học Online của Viện, bạn cũng phải dạy con ít nhất 90 phút mỗi ngày.

 

Có lẽ đây là lý do duy nhất chúng ta sinh ra để làm cha mẹ.


---

This article has been posted on Yammer of Vien Giao Duc Shichida Online on 2020, March 17th.