Knowledge 4.0
Tri Thức 4.0
Thực ra thì chẳng có một sự bắt đầu hay điểm đến nào cho cái gọi là cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả bắt nguồn từ Klaus Schwad khi ông gợi ý đến khái niệm này trong cuốn sách và các bài diễn văn của mình, và nó trở thành xu hướng tuyên truyền hiệu quả cho những chuyển biến tích cực. Bất cứ cách mạng công nghiệp hay công nghệ nào cũng bắt nguồn từ tri thức. Và để đánh giá một đất nước có đủ khả năng chuyển biến công nghệ và công nghiệp hay không thì hãy đánh giá hệ thống tri thức của đất nước đó: người dân có khả năng tiếp cận tri thức tự do, rộng lớn và dựa vào tiềm năng sáng tạo của chính mình hay không mà không chỉ phụ thuộc vào xu hướng số đông hay trào lưu xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của hệ thống phân bố tri thức là thư viện và khả năng tự tìm hiểu và nghiên cứu của con người trong xã hội đó. Điều này giống như việc nuôi dưỡng hệ sinh thái rừng nguyên sinh, mà trong đó có đa dạng các loại cây sinh sống, và cây nào cũng tìm được chỗ và vai trò quan trọng của mình. Điều này khác nhiều với việc trồng 1 tỷ cây cao su cùng loại mà không cần hệ sinh thái vững bền nào.
Năm 2016, chúng tôi bắt đầu làm việc với các hệ thống thư viện Việt Nam, cả ở TpHCM lẫn thư viện Quốc Gia. Để phần nào hình dung được các kết quả làm việc như thế nào, bạn có thể thử click vào link sau đây để có nhận định riêng cho mình: http://nlv.gov.vn. Để tìm giải pháp cho những vấn đề mình cần, sau đó, chúng tôi cố gắng tìm hiểu các hệ thống tri thức của Nhật Bản trong năm 2017, đi nghiên cứu ở Đài Loan năm 2018 và sau đó ở Singapore trong năm 2019. Có những so sánh và tìm hiểu các hệ thống phân loại từ Library of Congress (LoC, US), các phân mục kiến thức từ Cambridge, Oxford, MIT, Princeton, Harvard và Caltech. Mỗi hệ thống có các đặc thù và điểm mạnh riêng và từ đó học hỏi để làm thế nào có thể áp dụng cho điều kiện của Việt Nam.
Giống như trong các bài viết trước, bạn sẽ không bao giờ đủ tiền mua sách cho con, không đủ không gian và thời gian để cung cấp đủ tự do tri thức để con có lựa chọn định hướng riêng cho mình. Hệ thống thư viện công, thư viện trường và nhà sách là cách duy nhất bạn làm được việc này cho con. Thế nhưng ở tại Việt Nam, chỉ có duy nhất một thư viện của trường UNIS là nằm trong hệ thống của LFLA. Ngày nay, hệ thống thư viện quốc gia Singapore có hơn 50,000 đầu sách ebook mà người dân có thể mượn đọc qua smartphone. Gia đình tôi có thể mượn một lần 64 cuốn sách trong một lần, đặt mượn trước sách mình cần qua apps trong thư viện hơn vài triệu cuốn sách mới trên toàn Singapore, với toàn bộ quy trình mà không cần sự can thiệp của bất cứ một người nào khác, ngoài chính người đọc.
Khi một xã hội mà một đứa trẻ vừa mới sinh ra đã có khả năng tiếp cận tri thức, từ ebook, audiobook, với hơn vài triệu ấn phẩm với một chi phí bằng một bữa ăn, thì đó chính là một xã hội giàu có với những gia đình giàu có để tạo ra những đứa trẻ biết cách xây dựng nên sự giàu có cho riêng mình. Ở một xã hội khi bạn kiếm tiền bằng quan hệ, chứ không phải bằng kiến thức, bạn có thể có rất nhiều tiền, nhưng bạn lại không bao giờ muốn con mình kiếm tiền theo cách ấy. Tương lai của một dân tộc phụ thuộc hoàn toàn vào đạo đức của các thế hệ tiếp theo và sự tự do tri trức mà các thế hệ này có được.
Các phụ huynh Shichida có thể đóng góp sách của mình vào thư viện của Viện. Người có lòng hảo tâm có thể đóng góp kinh phí. Viện xây dựng một kế hoạch với mục tiêu rõ ràng cho tương lai của các con mà một ngày nào đó, con có thể sử dụng thư viện của Viện ngay cả khi không còn học tại Viện, có thể mượn ebook, audiobook, CDs, DVDs, và các collections Viện thu thập được từ khắp nơi trên thế giới. Các hệ thống này sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn phân loại tri thức của nhân loại, hoặc ít nhất thừa hưởng các kinh nghiệm từ các nguồn trên.
Cha mẹ nào có hứng thú đăng ký tìm hiểu thư viện online, thư viện quốc gia Singapore, có thể liên hệ Shichida Book Team, các thành viên sẽ tìm cách hỗ trợ. Mong sự đóng góp của các phụ huynh Shichida.
---
This article has been posted in Yammer of Vien Giao Duc Shichida Online on 2019 August 11th.