Reading Text Books
Đọc Kho Báu Sách Giáo Khoa cho Con Hằng Ngày
Những gì bạn biết về sách giáo khoa thường thông qua 2 việc: kinh nghiệm học tập của mình với sách giáo khoa. Mà không phải môn nào mình cũng thích. Ngay cả môn mình thích cũng có những phần cần phải “gặm nhắm”. Nên kinh nghiệm đầu tiên về sách giáo khoa sẽ phần nào không được vẹn toàn.
Việc thứ hai chi phối quan điểm về sách giáo khoa là các bài báo, bình luận tiêu cực đương thời về các bộ sách giáo khoa, chính sách làm sách giáo khoa, giá cả rồi các chỉ trích, xem xét, kiểm duyệt khác nhau. Những điều này tạo ra một bức tranh không mấy đẹp đẽ cho lắm. Và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bắt đầu sự học của con với hành trình mười mấy năm với sách giáo khoa, trong sự lo âu và hoài nghi của phụ huynh. Các bạn đã biết, khi bắt đầu một công việc gì mà thiếu niềm tin, đam mê, thì đó đã là sự bắt đầu của một nửa thất bại.
Bản chất của sách giáo khoa là sự chắt lọc kiến thức tinh hoa của nhân loại, đưa vào giáo trình phân loại từ thấp đến cao, dễ đến khó với cấu trúc tốt nhất cho việc truyền đạt và hấp thu kiến thức. Sách giáo khoa thường cung cấp khoảng 60% khối lượng kiến thức mà người trưởng thành cần lĩnh hội trước khi 18 tuổi. Và tuỳ thuộc vào trường, thầy cô, phương pháp dạy, mà hiệu suất của việc học kiến thức này có thể sẽ là 95% hay 30%. Một ví dụ để dễ dàng kiểm tra hiệu suất này là bằng cách hỏi những câu hỏi đơn giản như: ba định luật Newton khác nhau như thế nào hay như Việt Nam trãi qua bao nhiêu triều đại vua chúa phong kiến, bạn sẽ biết mình đã học và còn nhớ được bao nhiêu %. Thật ra, các bộ sách giáo khoa đương đại cũng gần giống nhau, sự chênh lệch hiệu suất kiến thức và kiến trúc giáo trình đều nằm trong dãi khoảng từ 50% đến 60% kiến thức nền tảng cơ bản.
Thế nên, tập cho con thích và yêu sách giáo khoa ngay từ nhỏ ảnh hưởng quan trọng đến con đường học vấn của con trong tương lai. Để làm được điều này, cha mẹ đầu tiên phải là người vượt qua được định kiến của mình về sách giáo khoa, có cái nhìn tích cực đúng đắn, vai trò của nó, và cách giúp con tiếp cận kho báu kiến thức này với những niềm đam mê. Mà thực ra, sách giáo khoa có nhiều kiến thức trọng yếu, hay và thú vị…
… Những ngày còn nhỏ, nhiệm vụ của tôi trước buổi ăn tối là chuẩn bị 2 cây đèn dầu hỏa lớn, lau sạch bóng, cạy hết phần cháy đen của tim (bấc) đèn để ánh sáng tốt nhất cho việc học của cả nhà sau buổi ăn. 5 chị em ngồi vào học ngay sau buổi tối, quây quanh cùng 1 bàn. Vì nhỏ hơn các chị, nên tôi phải đi ngủ sớm hơn lúc 8h. Tôi luôn tranh thủ học thật nhanh, để có nhiều thời gian chạy qua xem chị đầu, chị hai đang học những gì, đã làm được phần nào. Vì các kiến thức chị đang học cao hơn gần chục năm, nhưng vì ngồi học với nhau ngày này qua tháng nọ, nên tôi hình dung được phần nào. Đồng thời với thời gian, tôi xây dựng tính tò mò với tất cả các kiến thức mà các chị học, luôn hứng khởi để mong được lên năm học tiếp theo, học được các kiến thức mà các chị đã học được, và mình đã biết trước một phần.
Phần đẹp nhất hàng đêm là thời điểm các chị phải học thuộc bài bằng cách đọc to lên, để ba và mẹ có thể nghe và kiểm tra, giám sát việc học của các con. Tôi đã nằm trên giường chuẩn bị ngủ, nhưng vẫn cố dõng tai lên nghe cho bằng hết những gì các chị đọc. Đó là những kỷ niệm long lanh với con chữ, kiến thức mà tôi luôn thường bắt đầu giấc mơ của mình bằng tất cả các môn học tuyệt vời, bằng âm thanh, sự tưởng tượng theo những lời các chị đọc to lên…
Trong gia đình vẫn còn trân trọng các bộ sách giáo khoa đó, lưu giữ lại phần lớn những bộ sách gắn kết với nhiều kỷ niệm, nét bút ghi chú, với đa số sách nhà trường tặng vì học bổng, các bộ sách vài thế hệ học chung. Khi lật những trang sách, tôi vẫn còn có thể nhớ được các khung cảnh những buổi tối như vậy, như những thước phim loáng qua trong đầu, rất nhanh, với những kỷ ức vô cùng đẹp đẽ, như pha lê. Và thói quen học trước, xem trước vẫn còn tận đến sau này, và phát triển thành các kỷ năng scanning, skimming, noting, flash reading… Đây là tiền đề quan trọng và hình thành thói quen trong việc hoàn thành chương trình trung học trước hơn 1 năm, chương trình đại học trước gần 1 năm sau này, không phải vì áp lực mà là vì kiến thức trang cuối cùng của một cuốn sách là kiến thức hấp dẫn nhất, và rồi kiến thức trong cuốn sách tiếp theo lại còn hấp dẫn hơn. Và điều này cứ nối tiếp…
Kỳ lạ thay, các sách giáo khoa với nhiều kiến thức như vậy lại rất rẻ (vì chính phủ trợ giá), rẻ hơn rất nhiều so với các sách cùng mật độ kiến thức, và lại được trình bày đẹp. Trong muôn vàn hấp dẫn của thế giới sách, cha mẹ nên chọn mua cho con trọn bộ sách giáo khoa, của 5 năm trước năm con học, bộ sách mà con sẽ gặp trên trường mình học, và để ở nhà. Phụ huynh nên có khoảng 30 phút mỗi ngày, đọc các bộ sách giáo khoa cùng con, theo đúng phương pháp đọc Viện đã dạy cho phụ huynh, với tất cả sự hứng khởi và ước mong tích cực, và kể về các kỷ niệm đẹp của mình khi học ở trường trong quá khứ cho con.
Trong cuốn sách 300 lời khuyên của Giáo Sư Shichida (bản tiếng Việt rút gọn thành 277 lời khuyên), có một lời khuyên về cách học và đọc theo sách giáo khoa tương tự như mẫu chuyện trên. Chứng kiến cuộc thi chia sẻ sách đang diễn ra, và cách các con mê sách, Viện đang cố gắng đẩy nhanh dự án “THE BOOKS MUST READ” theo từng độ tuổi cho con, để khi con vào lớp 1, con sẽ được trang bị hành trang kiến thức từ 5 năm đến 7 năm phía trước. Và một trong những kho tàng quan trọng cần phải có ở nhà là các bộ sách giáo khoa 12 năm. Kho báu ẩn sâu bên trong vẻ thô kệch của các bộ sách giao khoa, với tình yêu và sự dìu dắt của cha mẹ hàng ngày, trước giấc ngủ, sẽ dần dần trở thành tài sản kiến thức vô giá trong hành trình sống của con trong cuộc đời này.
---
This article has been posted in Yammer of Vien Giao Duc Shichida Online on 2020, April 11th.