Compassion & Dignity

Trắc Ẩn và Phẩm Giá

... Là những điều khó dạy con nhất, hay nếu chỉ dạy thì cũng hời hợt. Vì bạn có thể hiểu lơ mơ về nó, nhất là trong phạm trù tiếng Việt định nghĩa các đức tính này gần gần giống nhau. Và đa số các bạn cần phải tìm lại tự điển để hiểu chính xác các từ này. Mà khi không hiểu chính xác, thì thực hành cũng hơi "chính xác" và dần dần sẽ trở nên mông lung. Điều này cũng đúng thôi, vì trong hơn 12 năm học sách giáo khoa, chắc chắn số lần bạn gặp từ Trắc Ẩn và Phẩm Giá ít hơn rất nhiều so với số lần bạn học về từ "địch", "ta" và "chiến thắng vẻ vang"...

 

Những điều trên có thể không sao khi bạn chưa làm cha mẹ trong xã hội này. Thế nhưng trong môi trường giáo dục hiện nay, nhiệm vụ dạy đạo đức và giá trị con người cho con phải là của cha mẹ. Nên cha mẹ khi chưa rõ, cần phải thay đổi và học lại để một khi đã dạy con thì phải khoa học, rõ ràng và rành mạch giữa việc đúng sai, nhất là khi dạy con tự nhận thức về giá trị con người bên trong của mình.

 

Bây giờ có nhiều sách bày dạy con trẻ cách cám ơn. Có nhiều người lớn nói lời cảm ơn đã trở thành thói quen, và đôi khi bạn nghe lời cảm ơn của họ như từ một chiếc máy tự động. Cùng một nghĩa biết ơn (appreciation), nhưng lại có hai cách khác nhau: cảm kích/cảm tạ (grateful) và hàm ơn (thankful). Harry Heijligers có một bài viết khá hay về sự khác biết của cảm kích và hàm ơn. Về cơ bản, thái độ cảm kích khi chúng ta nhận được một điều gì từ bên ngoài, một cách thụ động và bị tác động bởi các điều đó. Trong khi hàm ơn/biết ơn lại có một sức mạnh từ bên trong của người đó thể hiện năng lượng tích cực vì hiểu được tính tương tác của cái tôi, sự hiện diện của mình là vì có sự hiện diện của những cá nhân và thực thể khác. Thế nên, khi dạy con nói lời cảm tạ, nên dạy con cuối người, cuối đầu. Nhưng khi dạy con nói lời cảm ơn, biết ơn, hãy nhìn thẳng mắt người mình muốn cám ơn và truyền hết năng lượng tích cực của mình cho người đó. Lần cuối cùng bạn nói lời cảm ơn khi nhìn thẳng vào mắt người khác là khi nào?

 

Cùng là trắc ẩn/từ bi (compassion), nhưng lại có các cung bậc lại khác nhau và thể hiện năng lượng nội tại khác nhau của phạm trù này.

 

Sự thương cảm (sympathy) thường liên quan đến nỗi đau, các cảm xúc phản ứng của não từ những điều tiêu cực. Con người có được sự thương cảm khi nhìn thấy tình huống của người khác và não bộ tiết ra các hormone tương tự như người chịu đựng tình huống mà mình thương cảm [NCBI, PMID: 19339973]. Đây là mức khác biệt cơ bản bắt đầu từ động vật có vú. Dạy con biết cảm nhận nỗi đau của đồng loại hay của sự sống là điều quan trọng trong việc giữ gìn sự sống. Thế nhưng, không nên chỉ dạy con đồng hóa khái niệm trắc ẩn với khái niệm thương cảm. Cha mẹ dạy con bằng cách cho con xem, giải thích cho con các thảm họa, giải thích cảm xúc của những người kém may mắn hơn một cách thẳng thẳn, không né tránh.

 

Sự đồng cảm (empathy) là một mức cao hơn của lòng trắc ẩn. Giống như trong phân tích khoa học của bài báo [NCBI, PMID: 19319834], sự đồng cảm thường liên quan đến hành động, hành vi tức thời cụ thể vì những kích thích bởi sự thương cảm. Sự đồng cảm không dừng lại bởi các phản ứng tiết hormone trong não và cơ thể, các vùng não liên kết bắt đầu học cách phản ứng. Đây là điểm cần phải dạy quan trọng nhất mà cha mẹ cần phải dẫn dắt và hướng dẫn con ngay khi con còn nhỏ. Sự đồng cảm thể hiện rất rõ sự khác biệt bên trong con người qua ví dụ: Quốc Hội Anh mặc niệm cho 39 nạn nhân xấu số di cư đến bất thành, so với Quốc Hội nơi những người xấu số này đến từ,vẫn không biết mặc niệm cầu bình yên khi chưa xác định chính xác là họ đến từ đâu. Dạy con những lời chúc tốt lành chân thành, các câu cầu nguyện là điều quan trọng trong việc kết nối các vùng não đúng chức năng thể hiện tính người, mặc cho từ bất cứ tôn giáo gì, hay quan niệm chính trị nào.

 

Trong bài viết trên CompassionateActionNetwork có một sự tổng hợp khoa học súc tích về lòng trắc ẩn, trong đó bao gồm cả Tính Vị Tha (Altruism), như là bậc cao nhất lòng trắc ẩn. Khi thực hành lòng trắc ẩn, một cách khoa học, bạn dạy con mang lại những kỹ năng và lợi ích rõ ràng cho cuộc sống của chính con:

 

1. Giảm các bệnh về tim do tăng hiệu ứng Vagus Nerve.

2. Cho con tính kiên cường, chống chọi áp lực, điều kiện khó khăn tốt hơn vì tăng tính đề kháng của cơ thể.

3. Cho con khả năng thích ứng, đặc biệt chống chọi lại các bệnh từ mùa, bệnh phát tán, giảm thiểu tính cô đơn.

 

Bạn và con gặp một người ăn xin trong tập đoàn ăn xin giữa ngã tư, con hỏi bạn sao bạn không cho tiền mà những người khác thì lại bố thí, thì bạn sẽ trả lời ra sao? Sau khi bạn cho tiền một người giả vờ nguy kịch, và biết mình bị lừa, bạn sẽ phản ứng như thế nào trước mặt con?

 

Ở mức cao nhất, bạn sẽ phải dạy con thường xuyên về Phẩm Giá của Con Người, một phạm trù mông lung mà không ai có thể tự tin là mình biết tường tận, và thường nghĩ là ít có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Trước khi dạy con, hãy tìm hiểu một chút về cách nhìn khoa học và biết được sự khác nhau của Phẩm Giá và Nhân Phẩm.

 

Martha Nussbaum viết trên Journal of Political Philosophy năm 1997 về Nhân Phẩm khi đưa ra các luận cứ từ thời Immanuel Kant bắt nguồn từ lý luận thời cổ đại của Stoics. Họ cho rằng các sự sống khác không có Phẩm Giá ngoài con người (Nhân Phẩm). Nhân phẩm là một định nghĩa quan trọng quyền con người trong tất cả các bộ luật hiện đại của loài người. Những câu hỏi được đặt ra là liệu động vật, thực vật có Phẩm Giá hay không? Con người khi mới sinh ra mới có Nhân Phẩm, hay bắt đầu từ lúc được thụ thai? Nhân phẩm có lớn lên không? Các động vật khi bị nhân bản vô tính (cừu Dolly) thì phẩm giá có bị chia hai hay nhân lên gấp đôi? Con người có Nhân Phẩm như thế nào khi bị nhân bản vô tính? Khi sử dụng tế bào gốc có ảnh hưởng Nhân Phẩm của người đó không? Con người kết hợp các thiết bị kéo dài sự sống sẽ ảnh hưởng đến Nhân Phẩm như thế nào?

 

Một cách nào đó, rất nhiều tôn giáo tin rằng bất kỳ sự vật nào trong vũ trụ này có sự sống và chết đi, khi được sinh ra đều có phẩm giá. Phẩm Giá là sự tiếp nối của Ý Chí của Tự Nhiên trong vũ trụ này để hình thành và lưu truyền sự sống, bắt đầu từ thời hồng hoang của Big Bang trải qua hàng tỷ năm, tích tụ nên sự sáng tạo của sự sống. Thế nên, khi được sinh ra, các thực thể sống có phẩm giá như nhau. Và mọi người sinh ra đều đã mang trong mình Nhân Phẩm này. Bảo vệ Nhân Phẩm của mình chính là bảo vệ giá trị sự sống mình được ban tặng từ tự nhiên, và hiểu rằng sự sống này thể hiện trong Nhân Phẩm của mình giống và công bằng như bao nhiêu người khác, bao nhiêu sự sống khác quanh mình.

 

Thế bạn phải dạy con mình bảo vệ và vun đắp Nhân Phẩm của mình như thế nào? Mỗi lời nói, hành động của mình cần thể hiện sự kính trọng và cảm kích vì sự sống của mình, bảo vệ nó bằng lời nói, bằng sự kính trọng bữa ăn của mình, bằng sự biết ơn tình yêu, các nguồn cội mang lại hạnh phúc cho mình. Và cũng biết tôn trọng sự công bằng của những nguồn sống khác quanh mình vì nếu không có những Phẩm Giá đó, Nhân Phẩm của mình thiếu đi giá trị.

 

Thế nên, nụ cười và sự hạnh phúc quan trọng hơn sự cau có, tức giận, hay các suy tư về lợi ích nhất thời vì hạnh phúc và nụ cười thể hiện nhân phẩm của một con người tốt hơn. Có thể bạn chưa cần dạy con cho người khác tiền, hay phải làm từ thiện này kia, mà chỉ cần bắt đầu dạy con hiểu được một câu chúc đầu tiên: "cầu mong và chúc bạn khỏe mạnh, hạnh phúc, an toàn và giữ được trọn vẹn nhân phẩm của mình với tất cả năng lượng tích cực" từ trong sâu tận trái tim của con.

 

Photo Courtesy: Freedom Resource Center 

---

This article has been posted on Yammer of Vien Giao Duc Shichida Online on 2019, November 04th.