Clever Reading

Đọc Uyên Minh

Ở tuổi ấu thơ, cha mẹ thường có những âu lo đơn giản cho con rằng làm sao để con biết đọc thành thạo, rồi thì thích đọc. Khi dần lớn lên, phụ huynh nghĩ ngợi về việc cho con đọc các ngôn ngữ khác nhau, hay như con có đọc nhiều hay không, hoặc đọc chủ đề gì. Việc đọc sách học kiến thức giống như đãi cát tìm vàng; ngày càng khó tìm vàng hơn vì có quá nhiều sách như sạn cát được xuất bản. Việc quan trọng trong việc đãi vàng là không phải thấy ngay bãi cát nào cũng xông vào đãi…

 

5 năm trước, một anh kỹ sư từ Úc về tìm đến Viện nhờ tư vấn và cho ý kiến về dự án dạy trẻ biết đọc và học các ngôn ngữ khác nhau. Anh rất say sưa về Brillkids và phương pháp Shichida vì anh thấy con mình hứng thú và biết đọc từ rất sớm sau khi được Viện chỉ dạy theo các phương pháp này và muốn làm điều tương tự. Tôi bèn kể cho anh nghe câu chuyện mình gặp khi đi chơi ở Sapa lúc còn trẻ. Tôi thấy một bé trai độ 5 tuổi, biết đọc thông thạo tiếng Anh, tiếng Việt mà không hiểu ai dạy, và bé học bằng cách nào. Quanh đó, ai cũng bảo con là thần đồng. Tôi ngồi quan sát với nhiều câu hỏi trong đầu, và rồi khi thấy con cầm một bài báo bằng tiếng Anh lên đọc, con đọc vanh vách, nên thu hút nhiều người qua đường và du khách đến cho tiền. Một thời gian sau những thách đố, thử nghiệm để biết chắc là con không học thuộc lòng trước đó, họ cho ít tiền rồi ra về. Không khí yên tĩnh quay trở lại, và tôi vẫn ngồi đó quan sát con. Con cầm tờ báo vừa đọc lên, vo lại rồi đưa vào miệng nhai ngon lành, không biết vì đói hay vì thói quen. Một nỗi đau nhói lên trong lòng, và cảm thấy mình phải làm việc cần làm…

 

Tôi quay lại hỏi anh kỹ sư rằng, anh dạy trẻ em Việt Nam biết đọc rất sớm rồi sao nữa, các con sẽ đọc các báo lá cải hay các sách có thể được vất đi? Viện dạy Chích Bông nhà anh học đọc, và giỏi như bây giờ cũng thế. Việc biết đọc không phải là một mục tiêu cuối cùng. Thế là anh ồ lên rất to, và quyết định phát triển thêm các series truyện tiếng Anh đọc thêm trong giáo trình của mình, vì nếu không thì chương trình của anh cũng chỉ là bản sao chép của các chương trình trước đó.

 

Việc của cha mẹ không phải là cho con “đãi vàng tìm kiến thức” ngay khi thấy bãi cát nào. Cha mẹ cần phải nhìn xa hơn để tìm những bãi cát nhiều tiềm năng có "vàng". Ngày nay, khi thấy Shichida Book Team phát triển được bước đầu sứ mệnh của Viện trong việc phát triển niềm đam mê đọc và tình yêu với sách khi con còn nhỏ, Viện rất hạnh phúc. Viện vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc nhưng không thể quên rằng, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình trường kỳ này.

 

Có một điều kỳ lạ là trong giáo trình giáo dục phổ thông, con chỉ được dạy một cách rất sơ sài về các kỹ năng đọc, kỹ thuật đọc, mặc dù đọc là một trong những khả năng quan trọng hàng đầu của loài người. Bạn sẽ thấy người ta thường khoe về số lượng sách người ta đọc được, nhưng ít ai khoe về các kỹ năng và kỹ thuật đọc của họ. Kỳ lạ hơn, khi tìm sách nghiên cứu sâu hơn về việc đọc, thì đây lại là một việc khó khăn nhất trong các việc nghiên cứu mà Viện gặp phải.

 

Đọc nhiều là cần thiết vì để tích lũy kiến thức. Và thế hệ của con lớn lên sẽ có rất nhiều người đọc phi thường. Thế nên 20 năm sau, số lượng sách con đọc không còn làm nên ưu thế về trí tuệ. Đọc nhiều sẽ làm con uyên bác, chứ không hẳn sẽ cho con được sự minh triết.

 

Trong công trình nghiên cứu Neurological Passage of Reading của Viện có 7 chương, thì 5 chương quan trọng nhất tập trung vào các vấn đề cốt lõi: 1. Học Đọc, Ngôn Ngữ và Vốn Từ – 2. Kỹ Thuật Đọc – 3. Kỹ Năng Đọc – 4. Khả Năng Đọc Cao Cấp – 5. Thần Kinh Học của Việc Đọc.

 

Trong chương Học Đọc, Ngôn Ngữ và Vốn Từ, Viện nghiên cứu về ngôn ngữ, vốn từ vựng, số lượng sách đọc, phạm trù cơ bản của việc đọc để tìm ra các luận cứ nền tảng của việc học đọc cơ bản.

 

Chương Kỹ Thuật Đọc có những nghiên cứu rất quan trọng về các kỹ thuật đọc và hỗ trợ đọc để tăng tính hiệu quả của việc đọc như sử dụng bút, dạ quang, note, cách ghi chú, cách ghi nhớ…

 

Phần cao hơn sẽ được trình bày trong nghiên cứu về Kỹ Năng Đọc, trong đó có đề cập đến Speed Reading, cách truy cứu, truy luận, tóm lược, tốc ký, diễn dịch, quy nạp…

 

Và cao hơn trong việc đọc là khả năng đọc cao cấp với những kỹ năng mà bạn vẫn sử dụng hàng ngày như đọc tin tức, đọc giải trí hay như đọc để nghiên cứu, đọc với chỉ mục thư viện và đọc có cấu trúc, hay đọc tư duy triết học…

 

Tất cả những thay đổi quan trọng trong việc “học đọc” tưởng chừng đơn giản, hay chỉ là một sự kiên trì để đọc thật nhiều, nhưng lại không phải vậy. Một phần rất lớn hiểu được lợi ích của việc đọc đúng khoa học là từ các nghiên cứu thần kinh học của việc đọc. Và làm cha mẹ, chúng ta cần phải nhận thức được điều này. Có thể phụ huynh chưa có thời gian hiểu rõ cặn kẽ từng phần chi tiết của các nghiên cứu, nhưng việc có được tầm nhìn trong việc phát triển sự đọc của con như trong bài viết này sẽ làm cho cha mẹ có được định hướng với một triết lý, kiến thức rõ ràng. Và vì là thành viên của hội phụ huynh Shichida, các bạn được hưởng lợi ích trực tiếp từ các nghiên cứu này, với tiếp cận nhanh nhất và khoa học nhất có thể. 

---

This article has been posted on Yammer of Vien Giao Duc Shichida Online on 2020, May 13th.